Mạch nguồn truyền thống, sự tinh túy, điều làm nên sự khác biệt của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Việt, luôn nằm trong kho tàng văn hóa dân gian. Văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng, xét về mặt quốc gia, là một dạng tài nguyên, tương tự như cây xanh, nước ngọt, đất, khoáng sản... Rất tiếc là ít người nhận thấy như vậy.
Trong buổi chia sẻ về chủ đề “Sự tuôn chảy của dân ca trong thời hiện đại”, 12/05/2019, nhà cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Tài nguyên văn hóa của Việt Nam là cực kỳ phong phú. Phong phú đến nỗi, nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới có diện tích lớn hơn chúng ta, có cư dân đông hơn chúng ta cũng phải thèm muốn. Chúng ta có 54 dân tộc anh em, và mỗi dân tộc thực sự là một mỏ quặng về văn hóa”.
Buổi nói chuyện đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, ấm cúng bên chén trà của chủ Nhà Trà Đông Lai – Nguyễn Tuấn Linh. Khách tham dự không những được biết thêm về văn hóa dân tộc thông qua những chia sẻ của khách mời Nguyễn Hùng Vĩ mà còn được thưởng thức rất nhiều làm điệu dân ca từ khắp mọi miền đất nước.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ là giảng viên môn Văn học Dân gian Việt Nam thuộc khoa Văn, Đại học Quốc gia VN và là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã hiến cho cơ quan này rất nhiều tư liệu về các ký tự cổ của người Việt Nam từ cổ đại đến nay. Suốt quá trình nghiên cứu, ông luôn duy trì thói quen sưu tầm và khảo cứu những làn điệu cổ dân nhạc khắp Việt Nam và lúc nào cũng đau đáu với việc làm sao biến nó thành chất liệu để khơi thông mạch nguồn phát triển văn hóa hiện đại.
Là một người có kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc và tâm huyết với sự phát triển của Đất nước, giáo sư Hùng Vĩ còn có nhiều chủ đề có thể chia sẻ với các thành viên CLB trong thời gian tới.