Trong căn phòng khá lớn của nhà mình ở Thạch Bàn có treo bộ tranh "Giấc mơ thi nhân", Thái Tĩnh vẽ tặng mình 10 năm trước.
Buồn cười, một hôm mình nằm mơ thấy đi lang thang giữa khu vườn rực sáng màu hoa cà trong vắt, thêm màu lục non và màu trắng... đẹp đến nỗi tỉnh dậy mình tiếc mãi.
Và mình nói rất lâu về cảm giác của mình, sự bay bổng, sự dịu dàng, ánh sáng trong trẻo lung linh trong mơ.
Thế là Thái Tĩnh quyết định vẽ "giấc mơ màu hoa cà" ấy, vẽ ra thế giới mà mình cảm nhận được để giữ lại dùm mình những khoảnh khắc hiếm hoi.
Bộ tranh ra đời, có 5 bức khổ rất lớn, 2mx2m. Mình và Thái Tĩnh đã triển lãm chung một lần, có 5 bức tranh ấy và 5 bài thơ.
Từ đó đến nay "Giấc mơ thi nhân" vẫn đồng hành với mình.
Quả thực sống với chúng thật là sung sướng.
Như thể có một điệu nhạc du dương từ đỉnh núi cứ ngân nga trong không gian quanh mình...
(Đinh Hoàng Anh)
Tranh: Thái Tĩnh. Bộ Giấc mơ thi nhân. Chất liệu: Sơn dầu. Kích thước:
Ngồi trong căn phòng rộng, giữa những bức tranh khổ rộng treo trên tường, lặng lẽ ngắm các bức tranh thật lâu rồi từ từ nhắm mắt lại, những đốm sáng đầy màu sắc trên những bức tranh, bỗng trở nên lung linh chập chới như những ngôi sao to nhỏ. Không gian xung quanh lay động, dường như mỗi lúc một rộng hơn, rộng hơn, nhẹ hơn, nhẹ hơn và sáng hơn, mọi biên giới xóa nhòa, tôi thấy mình như đang bay trong đó.
Các đốm sáng mỗi lúc chuyển động nhanh hơn, tạo thành một vòng xoáy như cái phễu, có tâm sâu hun hút. Các đốm sáng màu sắc cùng với tôi lao về tâm vun vút, tôi thấy người nhẹ bỗng. Khi giật mình quay trở lại, thấy mình vẫn là mình, đang ngồi một mình giữa những bức tranh trong tĩnh lặng.
Tôi không rõ họa sĩ Thái Tĩnh đã cảm nhận điều gì khi vẽ bộ tranh Giấc mơ Thi nhân để tặng vợ mình – nhà thơ Đinh Hoàng Anh. Có thể, tâm hồn chị cùng với những vần thơ nhảy múa trong những bài thơ của chị, qua cảm nhận của anh biến thành sắc màu hư ảo, chúng đồng điệu với nhau trong một điệu vũ năng lượng tạo thành một không gian đa chiều, đa màu sắc, và trong sự hài hòa đó chúng ta mất hút vào hư không.
Có rất nhiều định nghĩa về vẻ đẹp, rất triết lý, rất thi vị, và tôi nói về vẻ đẹp rất đơn giản như tôi NHÌN và CẢM NHẬN thấy. Đối với tôi, vẻ đẹp chính là sự HÀI HÒA và HÒA HỢP trọn vẹn. Giống như những bông hoa, nếu bạn để ý chúng đều có cả 2 đặc tính trên, chúng cân đối một cách kỳ lạ, mọi bộ phận trên hoa và cả cây hoa rất hài hòa với nhau, và nếu không có bàn tay của con người, trong môi trường tự nhiên, bạn sẽ thấy nó hòa hợp trọn vẹn với không khí, đất trời và cảnh quan xung quanh! Sự hòa hợp không chỉ đến từ con mắt của bạn, mà còn là sự tương sinh, tương hỗ, tạo thành một mạch ngầm tuôn chảy, tạo thành một bản nhạc thuần khiết – một dòng suối âm thanh về cuộc sống.
Khi đứng trước một sự hoàn hảo như vậy, tâm trí của con người trở nên câm lặng, vì có gì “bất hoàn thiện” ở đây nữa đâu mà phán xét? Họ sững sờ. Tâm trí im bặt là lúc cảm xúc nổi lên, họ bắt đầu nói những lời cảm nhận thi vị về bông hoa. Cảm nhận đến từ 6 giác quan của họ. Nhưng trong tĩnh lặng sâu, cảm nhận về sự hài hòa và hòa hợp sâu hơn nữa, cảm xúc thậm chí cũng biến mất, bạn rơi đi vào chiều không gian khác, rơi vào hư không.
Các bức tranh của Họa sĩ Thái Tĩnh cũng tạo trong tôi cảm giác hài hòa và hòa hợp như vậy. Sự hài hòa và hòa hợp đến từ 2 tâm hồn, tạo thành một dòng chảy năng lượng chuyển động xuống đôi bàn tay anh để tạo thành bộ tranh Giấc mơ Thi nhân.
Đó có lẽ là điểm ấn tượng nhất mà tôi cảm nhận thấy khi xem bộ tranh này. Còn tất nhiên, như mọi bức tranh đẹp và có hồn khác, bạn có thể diễn đạt ra vô số điều tuyệt vời khác về sự phối hợp màu sắc, về bố cục của bức tranh, về tâm hồn trong sáng có phần thoát tục của họa sĩ, thậm chí về cả câu chuyện chỉ có riêng bạn mới nhìn thấy.
Nhưng nếu bạn chưa từng được đi vào chiều không gian do những đốm sáng màu sắc tạo thành; bạn chưa từng có cảm giác tan chảy, mình là một với không gian xung quanh; bạn chưa từng được nghe bản nhạc không có nốt nhạc, không có người chơi, không có âm thanh, tự tuôn chảy ra từ tâm hồn bạn, thì hãy đến và ngồi một mình trong tĩnh lặng để những bức tranh Giấc mơ của thi nhân làm nốt phần việc của mình!
(Trương Thị Như Quỳnh)