024 36252237
smtn@gmail.vn

Trang chủ

/

Văn thơ

Văn thơ

Nhà của con

Tình cờ đọc đâu đó một bài viết về người mẹ goá nuôi con trai đến khi con đi du học, cưới vợ bên Mỹ, rồi mẹ bán nhà để sang ở với con, thì con lại từ chối...

Cuối cùng người mẹ cũng học được cách sống vui cho bản thân, nhưng vẫn đọng lại chút ít cây đắng, ngậm ngùi.

Người ta nói, nhà của con không phải nhà cha mẹ, nhà của cha mẹ luôn là nhà của con. Câu nói ấy theo mình cũng chỉ đúng một nửa thôi.

Thực ra nhà của cha mẹ cũng không phải nhà của con!!!

Đành rằng từ nhỏ con sống trong ngôi nhà của cha mẹ, con được cha mẹ yêu thương chăm sóc, nuôi nấng dạy dỗ. Nhưng con cũng phải chịu đựng ngôi nhà của cha mẹ nữa. Tính khí, những tật xấu, thành kiến, tham vọng... của cha mẹ, vô vàn thứ trói buộc con, không cho con được sống như bản chất thật của mình, không cho con được sáng tạo cuộc đời mình theo cách mà mình muốn... Cho nên đến một ngày nào đó con đủ lớn, con khao khát ra đi để tìm ngôi nhà thực sự của mình, tìm người bạn đời để cùng sống trong ngôi nhà đó.

Nhưng tại sao người ta luôn nói "nhà của cha mẹ là nhà của con". Thì tất nhiên vì cha mẹ yêu con, dù có thể bằng tình yêu không hiểu biết. Vì đó là nơi con luôn có thể quay về. Nhưng "nhà của con không phải nhà cha mẹ', bởi vì ít nhiều con rất sợ phải nối dài "thời thơ ấu bất đắc dĩ", phải nghe lời, phải phục tùng khi mà con đã qua tuổi ấy từ lâu lắm. Cái mà con cần chính là sự độc lập, tự chủ. Chứ còn việc nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ thì con cũng không mấy khi từ chối. Cái mà con không muốn là cha mẹ mang theo truyền thống, nếp sống, cách nghĩ... vào ngôi nhà của con. Đó là gánh nặng lớn con không sao kham được. Còn khi con sinh ra trong ngôi nhà cha mẹ con đâu có mang gì theo, cho nên việc sống với trẻ thơ là một phước lành.

Hơn nữa còn một điểm rất tế nhị mà cha mẹ hay "quên đi", đó là con đâu sống một mình, con có người bạn đời, mà người đó không phải khi nào cũng hợp với cha mẹ. Những người tốt cũng có thể không hợp nhau. Vì bạn đời của con đến từ ngôi nhà khác, truyền thống khác, có cha mẹ khác. Cho nên việc có mặt của cha mẹ ít nhiều làm hai người trẻ bối rối. Đó là điều rất tự nhiên.

Đã là điều tự nhiên thì không có gì cay đắng. Sự đau xót chỉ thể hiện bản ngã của cha mẹ mà thôi, chứ tình yêu vốn êm ái dịu dàng. 

Và đầu tiên là hãy biết yêu mình. Để sống an nhiên trong sự hiểu thấu những quy luật của thế gian. Răng sinh già bệnh chết là lẽ đương nhiên, rằng mỗi ngày sống dù gian truân đến mấy đều là ân phước, rằng cô đơn không chỉ là bản chất mà còn là châu báu của đời người, vì trong cô đơn con người mới trưởng thành...

Sau nữa, biết yêu mình thì sẽ biết yêu con một cách đúng đắn, để không làm ai bị tổn thương vì tình yêu ấy, để cảm nhận sâu sắc rằng việc sinh con nuôi con là hạnh phúc lớn lao, bản thân điều đó đã là đầy đủ, không phải là khoản đầu tư cho tương lai. Và khi không trông chờ ở con như khoản đầu tư, cha mẹ sẽ biết cách lo cho bản thân, để sống vui cho đến khi rời khỏi cõi đời này, trong ngôi nhà mà con đã ra đi. Ra đi là việc không tránh khỏi, hãy dõi theo cánh chim non với niềm hân hoan dịu dàng. Sự an vui của cha mẹ chính là món quà lớn nhất cho người con đã trưởng thành.

Hãy chúc phúc cho ngôi nhà của con, cho bầu trời của con, cho đường bay của con, nơi sẽ không có bóng dáng cha mẹ. Đó là một nhịp sóng mới, một bài ca mới của Tạo hoá. Và một sự thật huy hoàng sẽ được hiển lộ, đó là sự chia ly cũng đẹp như gặp gỡ, kết thúc cũng đẹp như khởi đầu, và ngôi nhà này tàn lụi đi chính là để ngôi nhà khác mọc lên, như thông điệp dịu dàng của sự bất tử.


 

Đinh Hoàng Anh 
Ảnh: Lê Chí Dũng